Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2009

HỘI NÔNG DÂN PHƯỜNG BÌNH HƯNG HÒA XÂY DỰNG NHÀ TÌNH THƯƠNG

Ngày 25/8/2009, Hội Nông dân phường Bình Hưng Hòa đã tổ chức lễ bàn giao nhà tình thương cho hộ ông Đào Công Hoàng, 85/19 đường số 10, khu phố 9, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TPHCM, với diện tích 4m x 10m. Đến dự buổi lễ bàn giao nhà tình thương có đại diện Ban Kinh tế - Xã hội Hội Nông dân thành phố Hồ Chí Minh, Hội Nông dân quận Bình Tân, Đảng ủy - UBND - MTTQ - Đoàn thể phường và khu phố. Được biết, Hội Nông dân phường Bình Hưng Hòa chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức thi công sửa chữa nâng nền, nâng mái, thay tôn với tổng kinh phí là 11.060.000 đồng, trong đó kinh phí trích từ nguồn quỹ của Hội Nông dân phường hỗ trợ là 7.000.000 đồng, người thân gia đình hỗ trợ 4.060.000 đồng do khu phố vận động.

Thứ Tư, 2 tháng 9, 2009

PHỐI HỢP TỔ CHỨC HỘI THI MÔI TRƯỜNG NĂM 2009


Sáng ngày 12/7, Hội Nông dân quận Bình Tân phối hợp Phòng Tài nguyên - Môi trường, Hội LHPN, Quận Đoàn, Hội Cựu chiến binh, UBMTTQ, LĐLĐ quận tổ chức hội thi trên tại hội trường UBND quận. Đến dự, có đại diện các đơn vị đồng tổ chức và đông đảo thí sinh. Hội thi được tổ chức nhằm nâng cao kiến thức về bảo vệ môi trường cho cán bộ, hội viên các ban, ngành, đoàn thể, các công đoàn cơ sở, công đoàn doanh nghiệp, từ đó tuyên truyền sâu rộng đến cộng đồng dân cư trên địa bàn quận. Hội thi đã thu hút khoảng gần 300 thí sinh tham gia. Đến với hội thi, các thí sinh sẽ làm bài thi trong thời gian 90 phút. Nội dung bài thi chia làm 3 phần: Trả lời 30 câu hỏi trắc nghiệm, giải ô chữ và làm hai câu hỏi liên quan đến vấn đề môi trường. Kết quả, hội viên nông dân đạt 3 giải Khuyến khích.

MÔ HÌNH TRỒNG NẤM BÀO NGƯ CỦA ANH NGUYỄN PHƯỚC KHẢI


Trong quá trình đô thị hóa khá nhanh như hiện nay trên đất Bình Tân đã khiến khá nhiều đất sản xuất nông nghiệp dần thu hẹp. Nhiều người là nông dân "nòi" hoặc chưa từng có kinh nghiệm "nhà nông" đã tự bản thân mình tìm hướng đi mới. Họ tin rằng bằng trí tuệ và sự cần cù nên đã và đang tìm ra nhiều hướng đi mới cho việc trồng trọt, chăn nuôi với mục đích tạo ra thật nhiều sản phẩm cho ngành nông nghiệp. Một trong số họ, lại có thêm anh Nguyễn Phước Khải, hiện thường trú tại Phường 12, Quận 6 nhưng đã mạnh dạn thuê đất trên địa bàn Khu phố 2 (trong Khu Công nghiệp Việt Tài) thuộc phường An Lạc để thực hiện mô hình trồng nấm bào ngư (là loại nấm ăn được như nấm rơm, nấm mối, nấm mèo, nấm đông cô...) và bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình.
Tuy không xuất thân từ "nhà nông" mà khởi nghiệp anh Khải là dân kỹ thuật đã qua trường lớp đào tạo, nhưng tình cờ anh thấy mô hình này khá hấp dẫn nên tự mài mò học rồi từng bước thử nghiệm làm. Khi thấy thành công, anh bèn nghĩ đến chuyện vươn rộng diện tích trồng trọt cũng như cải thiện phương cách làm thực tiễn. Sau nhiều lần nghiên cứu thêm mô hình trồng nấm bào ngư qua tài liệu sách, báo khoa học-kỹ thuật và học hỏi thêm kinh nghiệm những người đi trước, anh tìm chọn những mảnh đất trống ở các vùng ven đang trên tiến trình đô thị hóa để thực hiện ý nguyện của mình, và anh đã dừng chân ở phường An Lạc. Với diện tích đất thuê 6 x 25 mét, anh đầu tư trên 25.000 phôi nấm bào ngư (gọi tắt là phôi). Chúng được xếp chồng lên nhau (khoảng từ 4 đến 7 lớp) ở 16 dãy kệ làm bằng tre. Mỗi kệ tre như vậy (có thể xếp được khoảng 800 phôi với mật độ vừa phải cho thông thoáng) anh lại chia làm 4 tầng để sắp xếp những bịch phôi chồng lên nhau để chúng sinh sôi nẩy nở. Chung quanh những dãy kệ tre, anh làm thêm những mành lưới nilon màu đen bao bọc bên ngoài. Vì loại nấm bào ngư muốn tăng trưởng nhanh phải được trồng nơi kín gió, tránh ánh nắng mặt trời rọi trực tiếp vào và có cường độ ánh sáng vừa phải (từ 400 - 2000 lux), độ ẩm không khí khoảng 80% và giữ cho nhiệt độ dao động từ 24 đến 25oC.
Anh Khải cho biết, hiện tại thị trường có nhiều loại, nhưng hai loại nấm bào ngư màu xám và màu trắng (nguồn giống Nhật Bản) là được ưa chuộng. Phôi được cấy trong các bịch nilon (còn gọi là bịch phôi dùng để cấy giống, nuôi ủ phôi từ 20 đến 25 ngày), bên trong chứa giá thể (là chất dinh dưỡng của phôi, thường được làm từ mạc cưa của các cây cao su để giúp các meo nấm bào ngư cấy trồng trong phôi phát triển tốt) trọng lượng cở từ 1 đến 1,2 kg. Nhiều nhất, chúng có xuất xứ từ tỉnh Tây Ninh là nơi trồng nhiều cây su, do vậy, giá phôi lên, xuống tùy thuộc vào giá cả của mạc cưa cây cao su lên hoặc xuống. Khi mua về trồng, phải mở miệng bịch phôi và xếp chồng lên các kệ, sau 6 giờ đồng hồ thì tưới nước dạng phun sương để tạo độ ẩm cho meo nấm bào ngư kết nụ, vì nấm bào ngư không cần nhiều nước như các loại nấm khác. Nấm bào ngư được xếp vào nhóm "nấm thịt", tai nấm khi di chuyển sang dạng phiểu lệch là lúc thu hái. Nấm có thể bán tươi hoặc làm nấm khô để tiêu thụ dần. Nấm tươi thu hái tốt nhất là dạng phiểu và tránh để ướt nước, không chồng chất nấm lên nhau quá nhiều hoặc để ở những nơi nắng gắt và có thể giữ chúng 12 giờ đồng hồ ở nhiệt độ thường trước khi bán hoặc tiêu dùng. Meo nấm bào ngư cấy trồng trong các bịch phôi, trung bình cách 10 ngày cho ra tai nấm để thu hoạch, đến 6 tháng sau khi không còn cho ra tai nấm nữa thì dùng phôi làm phân bón cho các loại cây trồng rất tốt.
Dẫn chúng tôi và anh Đinh Minh Hoàng - Chủ tịch Hội Nông dân phường An Lạc tham quan cơ ngơi trồng nấm bào ngư của mình, anh cho biết thêm. Bình quân mỗi ngày, anh Khải thu hoạch trung bình từ 50 đến 60 kg nấm bào ngư từ những bịch phôi. Mỗi bịch phôi cho ra ít nhất là 400 gram, nhiều nhất là 600 gram nấm bào ngư. Đa phần mối lái mua sĩ từ nơi khác đến. Sau khi trừ mọi chi phí, anh thu lợi khoảng từ 3.000 đồng đến 4.000 đồng trên mỗi bịch phôi. Anh Đinh Minh Hoàng nhận định, do còn trong quá trình thử nghiệm xem nấm bào ngư có thể phát triển trên vùng đất Bình Tân này không (vì anh Khải mới bắt tay làm từ sau Tết Kỷ Sữu 2009 đến nay) nên các anh không chắc có thể thành công hay không, nhưng với sức trẻ cộng với tính cần cù, siêng năng, ham học hỏi của anh Khải, hy vọng mô hình trồng nấm bào ngư này sẽ thu lợi cao và được nhân rộng ra nhiều nơi trên địa bàn phường và cả quận. Lợi thế trước mắt của Hội Nông dân phường An Lạc là anh Khải có mối quan hệ khá tốt về đầu vào lẫn đầu ra của mô hình này, đồng thời, anh Khải sẵn lòng hướng dẫn thêm về kỹ thuật cấy trồng cho những ai muốn tìm hiểu hoặc có ý định đầu tư cho mô hình trồng nấm bào ngư. Các anh khẳng định mô hình trồng nấm bào ngư rất thích hợp cho những ai muốn vượt nghèo bằng chính công sức và sự cần cù của bản thân. Công chăm sóc nấm bào ngư cũng cũng rất ít tốn kém, thêm vào đó, vật liệu đầu tư để trồng nấm giá cả cũng không cao lắm Tuy nhiên, muốn trồng nấm bào ngư theo mô hình này thì phải chọn nơi có nguồn nước tương đối sạch (không bị ô nhiễm bởi nguồn nước thoát sinh hoạt gia đình hay nguồn nước thải chưa qua xử lý của các khu công nghiệp, khu chế suất).
Dẫu sao mô hình trồng nấm bào ngư của anh Nguyễn Phước Khải tuy không mới nhưng cũng dễ dàng mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình. Hy vọng nó sẽ sớm phát triển trên địa bàn phường An Lạc lẫn quận Bình Tân, tạo thêm nhiều cơ may vượt nghèo, ổn định cuộc sống cho những ai muốn làm, chịu làm như anh Khải.