Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2009

HỘI NÔNG DÂN PHƯỜNG BÌNH HƯNG HÒA XÂY DỰNG NHÀ TÌNH THƯƠNG

Ngày 25/8/2009, Hội Nông dân phường Bình Hưng Hòa đã tổ chức lễ bàn giao nhà tình thương cho hộ ông Đào Công Hoàng, 85/19 đường số 10, khu phố 9, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TPHCM, với diện tích 4m x 10m. Đến dự buổi lễ bàn giao nhà tình thương có đại diện Ban Kinh tế - Xã hội Hội Nông dân thành phố Hồ Chí Minh, Hội Nông dân quận Bình Tân, Đảng ủy - UBND - MTTQ - Đoàn thể phường và khu phố. Được biết, Hội Nông dân phường Bình Hưng Hòa chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức thi công sửa chữa nâng nền, nâng mái, thay tôn với tổng kinh phí là 11.060.000 đồng, trong đó kinh phí trích từ nguồn quỹ của Hội Nông dân phường hỗ trợ là 7.000.000 đồng, người thân gia đình hỗ trợ 4.060.000 đồng do khu phố vận động.

Thứ Tư, 2 tháng 9, 2009

PHỐI HỢP TỔ CHỨC HỘI THI MÔI TRƯỜNG NĂM 2009


Sáng ngày 12/7, Hội Nông dân quận Bình Tân phối hợp Phòng Tài nguyên - Môi trường, Hội LHPN, Quận Đoàn, Hội Cựu chiến binh, UBMTTQ, LĐLĐ quận tổ chức hội thi trên tại hội trường UBND quận. Đến dự, có đại diện các đơn vị đồng tổ chức và đông đảo thí sinh. Hội thi được tổ chức nhằm nâng cao kiến thức về bảo vệ môi trường cho cán bộ, hội viên các ban, ngành, đoàn thể, các công đoàn cơ sở, công đoàn doanh nghiệp, từ đó tuyên truyền sâu rộng đến cộng đồng dân cư trên địa bàn quận. Hội thi đã thu hút khoảng gần 300 thí sinh tham gia. Đến với hội thi, các thí sinh sẽ làm bài thi trong thời gian 90 phút. Nội dung bài thi chia làm 3 phần: Trả lời 30 câu hỏi trắc nghiệm, giải ô chữ và làm hai câu hỏi liên quan đến vấn đề môi trường. Kết quả, hội viên nông dân đạt 3 giải Khuyến khích.

MÔ HÌNH TRỒNG NẤM BÀO NGƯ CỦA ANH NGUYỄN PHƯỚC KHẢI


Trong quá trình đô thị hóa khá nhanh như hiện nay trên đất Bình Tân đã khiến khá nhiều đất sản xuất nông nghiệp dần thu hẹp. Nhiều người là nông dân "nòi" hoặc chưa từng có kinh nghiệm "nhà nông" đã tự bản thân mình tìm hướng đi mới. Họ tin rằng bằng trí tuệ và sự cần cù nên đã và đang tìm ra nhiều hướng đi mới cho việc trồng trọt, chăn nuôi với mục đích tạo ra thật nhiều sản phẩm cho ngành nông nghiệp. Một trong số họ, lại có thêm anh Nguyễn Phước Khải, hiện thường trú tại Phường 12, Quận 6 nhưng đã mạnh dạn thuê đất trên địa bàn Khu phố 2 (trong Khu Công nghiệp Việt Tài) thuộc phường An Lạc để thực hiện mô hình trồng nấm bào ngư (là loại nấm ăn được như nấm rơm, nấm mối, nấm mèo, nấm đông cô...) và bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình.
Tuy không xuất thân từ "nhà nông" mà khởi nghiệp anh Khải là dân kỹ thuật đã qua trường lớp đào tạo, nhưng tình cờ anh thấy mô hình này khá hấp dẫn nên tự mài mò học rồi từng bước thử nghiệm làm. Khi thấy thành công, anh bèn nghĩ đến chuyện vươn rộng diện tích trồng trọt cũng như cải thiện phương cách làm thực tiễn. Sau nhiều lần nghiên cứu thêm mô hình trồng nấm bào ngư qua tài liệu sách, báo khoa học-kỹ thuật và học hỏi thêm kinh nghiệm những người đi trước, anh tìm chọn những mảnh đất trống ở các vùng ven đang trên tiến trình đô thị hóa để thực hiện ý nguyện của mình, và anh đã dừng chân ở phường An Lạc. Với diện tích đất thuê 6 x 25 mét, anh đầu tư trên 25.000 phôi nấm bào ngư (gọi tắt là phôi). Chúng được xếp chồng lên nhau (khoảng từ 4 đến 7 lớp) ở 16 dãy kệ làm bằng tre. Mỗi kệ tre như vậy (có thể xếp được khoảng 800 phôi với mật độ vừa phải cho thông thoáng) anh lại chia làm 4 tầng để sắp xếp những bịch phôi chồng lên nhau để chúng sinh sôi nẩy nở. Chung quanh những dãy kệ tre, anh làm thêm những mành lưới nilon màu đen bao bọc bên ngoài. Vì loại nấm bào ngư muốn tăng trưởng nhanh phải được trồng nơi kín gió, tránh ánh nắng mặt trời rọi trực tiếp vào và có cường độ ánh sáng vừa phải (từ 400 - 2000 lux), độ ẩm không khí khoảng 80% và giữ cho nhiệt độ dao động từ 24 đến 25oC.
Anh Khải cho biết, hiện tại thị trường có nhiều loại, nhưng hai loại nấm bào ngư màu xám và màu trắng (nguồn giống Nhật Bản) là được ưa chuộng. Phôi được cấy trong các bịch nilon (còn gọi là bịch phôi dùng để cấy giống, nuôi ủ phôi từ 20 đến 25 ngày), bên trong chứa giá thể (là chất dinh dưỡng của phôi, thường được làm từ mạc cưa của các cây cao su để giúp các meo nấm bào ngư cấy trồng trong phôi phát triển tốt) trọng lượng cở từ 1 đến 1,2 kg. Nhiều nhất, chúng có xuất xứ từ tỉnh Tây Ninh là nơi trồng nhiều cây su, do vậy, giá phôi lên, xuống tùy thuộc vào giá cả của mạc cưa cây cao su lên hoặc xuống. Khi mua về trồng, phải mở miệng bịch phôi và xếp chồng lên các kệ, sau 6 giờ đồng hồ thì tưới nước dạng phun sương để tạo độ ẩm cho meo nấm bào ngư kết nụ, vì nấm bào ngư không cần nhiều nước như các loại nấm khác. Nấm bào ngư được xếp vào nhóm "nấm thịt", tai nấm khi di chuyển sang dạng phiểu lệch là lúc thu hái. Nấm có thể bán tươi hoặc làm nấm khô để tiêu thụ dần. Nấm tươi thu hái tốt nhất là dạng phiểu và tránh để ướt nước, không chồng chất nấm lên nhau quá nhiều hoặc để ở những nơi nắng gắt và có thể giữ chúng 12 giờ đồng hồ ở nhiệt độ thường trước khi bán hoặc tiêu dùng. Meo nấm bào ngư cấy trồng trong các bịch phôi, trung bình cách 10 ngày cho ra tai nấm để thu hoạch, đến 6 tháng sau khi không còn cho ra tai nấm nữa thì dùng phôi làm phân bón cho các loại cây trồng rất tốt.
Dẫn chúng tôi và anh Đinh Minh Hoàng - Chủ tịch Hội Nông dân phường An Lạc tham quan cơ ngơi trồng nấm bào ngư của mình, anh cho biết thêm. Bình quân mỗi ngày, anh Khải thu hoạch trung bình từ 50 đến 60 kg nấm bào ngư từ những bịch phôi. Mỗi bịch phôi cho ra ít nhất là 400 gram, nhiều nhất là 600 gram nấm bào ngư. Đa phần mối lái mua sĩ từ nơi khác đến. Sau khi trừ mọi chi phí, anh thu lợi khoảng từ 3.000 đồng đến 4.000 đồng trên mỗi bịch phôi. Anh Đinh Minh Hoàng nhận định, do còn trong quá trình thử nghiệm xem nấm bào ngư có thể phát triển trên vùng đất Bình Tân này không (vì anh Khải mới bắt tay làm từ sau Tết Kỷ Sữu 2009 đến nay) nên các anh không chắc có thể thành công hay không, nhưng với sức trẻ cộng với tính cần cù, siêng năng, ham học hỏi của anh Khải, hy vọng mô hình trồng nấm bào ngư này sẽ thu lợi cao và được nhân rộng ra nhiều nơi trên địa bàn phường và cả quận. Lợi thế trước mắt của Hội Nông dân phường An Lạc là anh Khải có mối quan hệ khá tốt về đầu vào lẫn đầu ra của mô hình này, đồng thời, anh Khải sẵn lòng hướng dẫn thêm về kỹ thuật cấy trồng cho những ai muốn tìm hiểu hoặc có ý định đầu tư cho mô hình trồng nấm bào ngư. Các anh khẳng định mô hình trồng nấm bào ngư rất thích hợp cho những ai muốn vượt nghèo bằng chính công sức và sự cần cù của bản thân. Công chăm sóc nấm bào ngư cũng cũng rất ít tốn kém, thêm vào đó, vật liệu đầu tư để trồng nấm giá cả cũng không cao lắm Tuy nhiên, muốn trồng nấm bào ngư theo mô hình này thì phải chọn nơi có nguồn nước tương đối sạch (không bị ô nhiễm bởi nguồn nước thoát sinh hoạt gia đình hay nguồn nước thải chưa qua xử lý của các khu công nghiệp, khu chế suất).
Dẫu sao mô hình trồng nấm bào ngư của anh Nguyễn Phước Khải tuy không mới nhưng cũng dễ dàng mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình. Hy vọng nó sẽ sớm phát triển trên địa bàn phường An Lạc lẫn quận Bình Tân, tạo thêm nhiều cơ may vượt nghèo, ổn định cuộc sống cho những ai muốn làm, chịu làm như anh Khải.

Thứ Hai, 31 tháng 8, 2009

HỘI THI "HÒA GIẢI VIÊN GIỎI" QUẬN BÌNH TÂN NĂM 2009


Sáng ngày 30/6, tại hội trường UBND phường An Lạc, Phòng Tư pháp và Hội Nông dân quận đã phối hợp tổ chức Hội thi "Hòa giải viên giỏi". Đến dự, có bà Phạm Thị Lang - Trưởng Ban Tổ chức - Kiểm tra Hội Nông dân thành phố; bà Lê Thị Ngọc Thúy - Phó Ban Dân vận Quận ủy ; ông Nguyễn Tấn Tài - Chủ tịch Hội Nông dân quận ; bà Nguyễn Thị Mỹ Châu - Trưởng Phóng Tư pháp quận; lãnh đạo Đảng ủy, Chính quyền phường An Lạc và trên 50 hội viên Hội Nông dân dự thi chính thức và cổ động viên.
Có 7 đội thi của 7 Hội Nông dân phường tham gia. Mỗi đội thi tham gia 2 phần : phần thứ nhất, mỗi đội chọn 3 người thi chính thức để trả lời một trong mười câu hỏi qua kết quả bốc thăm và câu hỏi xử lý tình huống ; phần thứ hai, mỗi đội chọn 4 cổ động viên để trả lời 10 câu hỏi trắc nghiệm. Nội dung thi xoay quanh các kiến thức chuyên đề về Luật Đất đai, Luật Hôn nhân gia đình,Luật Khiếu nại tố cáo... Sau hơn 4 giờ tranh tài quyết liệt, kết quả chung cuộc như sau: Đội thi Hội Nông dân phường Tân Tạo A đạt giải nhất, Đội thi Hội Nông dân phường An Lạc đạt giải nhì và Đội thi Hội Nông dân phường Tân Tạo đạt giải ba. Riêng Đội thi Hội Nông dân phường Bình Trị Đông B đạt giải khuyến khích.

KẾ HOẠCH TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 79 NĂM NGÀY THÀNH LẬP HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM (14/10/1930 - 14/10/2009)

Số: 186 - KH/HND Bình Tân, ngày 25 tháng 8 năm 2009

Thực hiện chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2009, Ban Thường vụ Hội Nông dân quận Bình Tân xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 79 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 - 14/10/2009) như sau:

I. MỤC ĐÍCH - YÊU CẦU:

- Tuyên truyền cho cán bộ, hội viên, nông dân nâng cao nhận thức về truyền thống lịch sử vẻ vang của giai cấp nông dân, tổ chức Hội Nông dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và truyền thống của nông dân quận Bình Tân, từ đó khẳng định niềm tin, làm cơ sở giáo dục học tập, noi gương của những người đi trước, tiếp bước cha anh bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước, xây dựng quận Bình Tân trong thời kỳ đổi mới.

- Cổ vũ, động viên hội viên, nông dân tích cực thực hiện các phong trào thi đua thực hiện Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và hoàn thành nhiệm vụ chính trị do Hội Nông dân thành phố và Quận ủy giao, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chỉ tiêu công tác Hội năm 2009.

- Các hoạt động chào mừng kỷ niệm ngày thành lập Hội phải gắn kết với việc chào mừng kỷ niệm những ngày lễ lớn, với yêu cầu “Thiết thực, vui tươi, tiết kiệm”, tạo ra được phong trào thi đua lành mạnh qua đó nâng cao chất lượng trong việc xây dựng tổ chức cơ sở Hội vững mạnh, thiết thực chăm lo đời sống hội viên, nông dân.

II. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG:

1. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, hội viên, nông dân về truyền thống vẻ vang của giai cấp nông dân và tổ chức Hội Nông dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng; tiếp tục tuyên truyền thực hiện Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; khẳng định tổ chức Hội với vai trò trung tâm nòng cốt trong các phong trào nông dân của quận Bình Tân.

2. Đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với chủ đề “Nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” theo Kế hoạch số 169-KH/HND ngày 03/8/2009 của Hội Nông dân quận.

3. Tổ chức và tham gia các hoạt động sôi nổi thu hút cán bộ, hội viên nông dân tham gia, như các hội thi: “Nông dân với an toàn giao thông”, “Tiếng hát vành đai xanh”, “Công dân và pháp luật”, cờ tường, bóng đá; đẩy mạnh các phong trào thi đua, phấn đấu hoàn thành đạt và vượt 100% trở lên các chỉ tiêu được giao trong năm 2009.

4. Tiếp tục hỗ trợ tạo điều kiện tốt nhất trong chức năng, nhiệm vụ để hội viên, nông dân phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, chuyển đổi ngành nghề phù hợp với định hướng của quận, phối hợp các ban ngành đoàn thể trong công tác dạy nghề, giới thiệu việc làm, tham quan học tập, tiếp tục thực hiện hỗ trợ nông dân nghèo giai đoạn 3.

5. Củng cố hoạt động các chi hội, định hướng phát triển và tổ chức sinh hoạt các chi hội với nhiều hình thức theo địa bàn dân cư và theo ngành nghề.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

- Kế hoạch này được triển khai trong Ban Chấp hành và Hội Nông dân 7 phường để xây dựng kế hoạch cụ thể tổ chức thực hiện.

- Hội Nông dân quận xây dựng kế hoạch chi tiết tổ chức, tham gia một số phong trào lớn và các hội thi, xây dựng kế hoạch kiểm tra rà soát việc thực hiện chỉ tiêu thi đua năm 2009 của Hội Nông dân 7 phường từ nay đến 30/9/2009, xây dựng kế hoạch tổ chức họp mặt ngày 14/10 và sơ bộ tổng kết các chỉ tiêu đến thời điểm 14/10/2009.

- Hội Nông dân các phường tự rà soát lại chỉ tiêu, tổ chức thực hiện hoặc phối hợp thực hiện các chỉ tiêu chưa đạt theo kế hoạch, cung cấp các thành phần tham gia dự thi các hội thi cấp quận và cấp thành phố theo sự chỉ đạo của Hội Nông dân quận; thực hiện các báo cáo quyết toán sơ bộ phải hoàn thành chậm nhất vào ngày 15/9/2009, đến 05/10/2009 báo cáo chính thức việc thực hiện và quyết toán chỉ tiêu năm 2009.

Trên đây là kế hoạch chào mừng kỷ niệm 79 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2009), trong quá trình tổ chức thực hiện, Hội Nông dân quận sẽ có bổ sung, điều chỉnh những nội dung do Hội Nông dân thành phố chỉ đạo cho phù hợp với tình hình thực tế./.


LỄ TRAO HỌC BỔNG LƯƠNG ĐỊNH CỦA NĂM HỌC 2009-2010 QUẬN BÌNH TÂN

Vừa qua tại hội trường Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị quận, Ban Thường vụ Hội Nông dân quận Bìnhh Tân đã tổ chức Lễ trao học bổng Lương Định Của năm học 2009 – 2010 các em học sinh hiếu học con của hội viên, nông dân nghèo. Số học bổng được trao lần này là 59 suất và 590 cuốn tập (giá trị mỗi suất học bổng là 400.000 đồng và 10 cuốn tập học sinh).
Ông Nguyễn Tấn Tài - Chủ tịch Hội Nông dân quận Bình Tân báo cáo tình hình và kết quả việc vận động học bổng Lương Định Của, quá trình chọn và duyệt xét con em hộ nghèo, con em diện gia đình chính sách, con hội viên nghèo và cận nghèo vượt khó hiếu học. Theo đó, đã vận động được 23,6 triệu đồng và 590 cuốn tập học sinh, tương đương với 59 suất học bổng.
Được biết, năm nay là lần thứ 6 Ban Thường vụ Hội Nông dân tổ chức Lễ trao tặng học bổng Lương Định Của. Năm 2004 trao 42 suất học bổng với tổng trị giá 12,6 triệu đồng, riêng Hội Nông dân thành phố hỗ trợ thêm 5 suất học bổng (trị giá 2 triệu đồng) và một số tập học sinh. Năm 2005 trao 48 suất học bổng với tổng trị giá 14,4 triệu đồng. Năm 2006 trao 52 suất học bổng với tổng trị giá 21,4 triệu đồng. Năm 2007 trao 57 suất học bổng với tổng trị giá 23,6 triệu đồng. Năm 2008 trao 56 suất trị giá 23,4 triệu đồng.

HỘI NÔNG DÂN QUẬN BÌNH TÂN - 6 THÁNG ĐẦU NĂM NHÌN LẠI


Dẫu có biến động về nhân sự, Phó Chủ tịch Hội Nông dân quận được chuyển sang công tác khác nên hiện đang khuyết vị trí này, nhưng không vì thế mà hoạt động của Hội bị "chựng " lại. Ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ Hội Nông dân quận Bình Tân đã đề ra chương trình công tác 6 tháng đầu năm 2009 và căn cứ vào đó để triển khai thực hiện. Trong đó, có những điểm nhấn như xây dựng 10 kế hoạch chuyên đề ; kế hoạch mở lớp bồi dưỡng công tác Hội ; kế hoạch tuyên truyền, kiểm tra trong hội viên về thực hiện nếp sống văn minh đô thị ; kế hoạch đào tạo nghề, tập huấn trồng rau an toàn, nuôi bò sữa, nuôi cá thịt... ; kế hoạch hội thi "Hòa giải viên giỏi" ; chương trình đăng ký nguồn vốn vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân thành phố...
Theo thống kê, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2009 đã phát triển thêm 158 hội viên mới, đạt và vượt 131,67% chỉ tiêu đề ra, nâng tổng số hội viên hiện có lên 2.297 người, chiếm 82,24% lao động nông nghiệp và trong tổng số 880 hộ nông nghiệp có 755 hộ có người thân gia đình là hội viên. Số đảng viên mới kết nạp là 7 người, nâng tổng số hội viên là đảng viên lên con số 103. Điều đó có thể khẳng định tổ chức Hội Nông dân quận Bình Tân vẫn còn có nhiều sức thu hút đối với bà con nông dân tham gia sinh hoạt. Tuy diện tích đất nông nghiệp ở quận dần thu hẹp do quá trình đô thị hóa, nhưng vụ lúa Đông-Xuân vừa qua với 61 ha đất trồng trọt đã cho thu hoạch xấp xỉ 183 tấn lúa. Đây cũng là năm thứ hai, các hộ nông nghiệp gieo sạ lúa vụ Đông-Xuân, tăng 177% so với cùng kỳ. Riêng vụ lúa Hè-Thu các hộ nông nghiệp cũng đã gieo sạ trên 105 ha đất canh tác và lúa phát triển bình thường. Không những thế, Hội Sinh vật cảnh và CLB Hoa kiểng cũng có chiều hướng phát triển mạnh và rộng khắp, thu hút đông đảo hội viên Hội Nông dân tham gia sinh hoạt. Chỉ tính riêng hoa lan, cây kiểng các loại cũng có chiều hướng tăng hơn so với những năm đầu mới thành lập quận. Tính đến nay, đã có 62 hộ nông nghiệp chuyển gần 145.000 m2 đất chuyên canh sang trồng cây ăn trái xen kẻ với hoa lan, cây kiểng. Ngoài ra, mô hình sản xuất, kinh doanh cá thịt vẫn còn được nhiều hộ nông dân ở phường Tân Tạo đeo bám. Nhìn chung việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã và đang phát huy hiệu quả. Nhiều hộ nông nghiệp, hộ hội viên Hội Nông dân đã sử dụng đất khuôn viên nhà ở để trồng xen cài hoa lan, cây kiểng cũng mang lại thu nhập khá ổn định và bền vững.
Để giải quyết vấn đề nguồn vốn đầu tư, khuếch trương tăng gia sản xuất, trồng trọt cho bà con nông dân, Hội Nông dân quận và các phường cũng đã vận động gây Quỹ hỗ trợ nông dân. Từ đầu năm đến nay, Hội Nông dân quận và các phường đã bảo lãnh tín chấp cho 679 hộ vay vốn làm ăn với số tiền gần 8,4 tỷ đồng, qua đó, giải quyết việc làm tại chỗ cho trên 1.000 lao động. Riêng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân của quận và phường đã lập nhiều dự án và qua đó, hỗ trợ 26 hộ nông dân vay gần 136 triệu đồng. Bên cạnh, trong 6 tháng đầu năm 2009, từ nguồn ủy thác Quỹ hỗ trợ nông dân thành phố cũng đã tạo điều kiện hỗ trợ 228 hộ vay với tổng số tiền gần 3,4 tỷ đồng. Không những thế, về nguồn vốn vay Quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm đã có 52 hộ lần lượt vay với tổng số tiền 945 triệu đồng... Qua thực tế bằng nhiều cách vận động, đến nay Hội Nông dân quận và các phường đã tạo được trên 49 triệu đồng đễ tạo nguồn quỹ hỗ trợ nông dân theo chỉ tiêu thành phố giao, nhờ các hộ nông dân cảm thấy yên tâm hơn trong việc trồng trọt, chăn nuôi và đẩy mạnh SX-KD tạo thêm nhiều việc làm cho những lao động tại chỗ.
Đâu chỉ có vậy, tính từ đầu năm đến nay, qua các phong trào thi đua, đã xuất hiện 667 hộ nông dân SX-KD giỏi và thành đạt các cấp, nhiều mô hình điển hình về cách làm ăn có hiệu quả kinh tế cao được tuyên dương và nhân rộng. Trong đó, gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp phường là 489 hộ, cấp quận là 132 hộ, cấp thành phố là 35 hộ và cấp trung ương là 11 hộ. Hội Nông dân các cấp trên địa bàn quận còn vận động, tổ chức cho các hội viên tham gia các hoạt động văn hóa-thể thao, xã hội-từ thiện, chương trình Vì người nghèo, chương trình Xóa đói-giảm nghèo. Cụ thể phối hợp với UBMTTQ cùng Ban vận động Vì người nghèo quận Bình Tân đi khảo sát để vận động xây tặng 16 căn nhà tình thương cho hộ nông dân nghèo có hoàn cảnh thật sự khó khăn ở hai phường Tân Tạo và Bình Hưng Hòa, trong đó, đã xét duyệt để tiến hành xây dựng 12 căn nhà tình thương ở phường Tân Tạo trong thời gian sớm nhất... Song song, bằng nguồn đóng góp của tập thể hội viên Hội Nông dân, trong 6 tháng đầu năm đã vận động gây Quỹ học bổng Lương Định Của được 17,5 triệu đồng (tương đương 44 suất học bổng, đạt tỷ lệ 87,5% chỉ tiêu đề ra) để chuẩn bị trao tặng học bổng cùng tập vỡ cho con hội viên vượt khó học giỏi trong thời gian tới.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tấn Tài - Chủ tịch Hội Nông dân quận Bình Tân khẳng định : "Trong tổng số 15 chỉ tiêu cơ bản của thành phố giao, Hội Nông dân quận và các phường đã phấn đấu hoàn thành đạt và vượt 11 chỉ tiêu. Còn 4 chỉ tiêu khác như : tổ chức dạy nghề ngắn hạn cho nông dân chỉ đạt 39,25% chỉ tiêu giao ; giúp hộ hội viên nông dân thoát nghèo theo tiêu chí mới của thành phố cùng việc vận động tạo Quỹ hỗ trợ nông dân cũng chỉ đạt 58,86% chỉ tiêu chung (trong đó, đạt 84,3% chỉ tiêu vận động ủng hộ và đạt 28% chỉ tiêu vận động mượn) ; còn chỉ tiêu xây dựng Hội vững mạnh thì đến cuối năm mới bình xét. Nhìn chung kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2009 vẫn có nhiều tín hiệu khả quan. Qua các kết quả đạt được cũng thể hiện trách nhiệm của Ban Thường vụ Hội Nông dân quận và các phường đối với hội viên và qua các phong trào hành động thiết thực đã tạo thêm điều kiện chăm lo, hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hội viên cùng các hộ nông nghiệp, từ đó, tạo được sự gắn bó giữa Hội với tất cả hội viên, với những người nông dân trên địa bàn quận. Tuy nhiên, vì nhân lực của Hội Nông dân quận còn thiếu 1 định biên chức danh Phó Chủ tịch Hội, cộng với những khó khăn khách quan nên tiến độ thực hiện một vài chỉ tiêu thể hiện chậm, làm ảnh hưởng đến kết quả chung của Hội."
Có thể nói, từ những kết quả đạt được của chặng đường năm 2008 đã là tiền đề và định hướng hoạt động Hội và phong trào nông dân ngay từ những tháng đầu năm 2009. Mong rằng Hội Nông dân quận Bình Tân vẫn tiếp tục có nhiều bước chuyển biến tích cực hơn nữa trong 6 tháng còn lại của năm 2009 để đưa phong trào sản xuất chăn nuôi, trồng trọt và kinh doanh trên địa bàn quận tiến thêm nhiều bước tiến dài trên con đường xây dựng nông thôn đô thị mới, đồng thời sẽ có thêm nhiều bà con nông dân tìm đến và gắn bó với Hội Nông dân và Chi hội cơ sở hơn nữa.

Thứ Năm, 27 tháng 8, 2009

Mời các bạn đăng bài lên weblog của Hội

Đây là trang web hòan tòan miển phí, Hòa nông dân đã tạo xong và có cấp quyền cho các bạn được phép đăng bài len khi mỡ mail các bạn sẽ thấy một cửa sổ yêu cầu bạn nhập địa chỉ gwail vào (địa chỉ toi đã cho và chuyển cho bạn Thư biết rồi), và chú đã hương dẫn cho Thư vậy Diễm trao đổi với Thư sẽ biết thông tin đăng nhập nhé. Chúc cháu và Thư thành công. Nhớ là chú đang theo dỏi xem bài của các bạn đăng lên và sẽ có góp ý sau mỗi bài đăng để các bạn tiếp cận và học hỏi thêm, vì nó rất có lợi cho bạn trong việc nâng cao kiến thức cấp nhật và sử dụng thông tin để phục vụ cho công việc các bạn, và chú đã tạo cho Bà Nguyễn thị Gấm Nông dân tiêu biểu thành phố một trang weblog có địa chỉ http://hoalantruonggiang.blogspot.com/ mời cháu click vào đây để xem nhé...Xin hẹn gặp lại các bạn qua bài viết đầu tiên lên trang web của Hội nông dân Bình Tân...bye bye

Thứ Hai, 17 tháng 8, 2009

ĐỘI BÓNG ĐÁ MINI BÌNH TÂN

ALBUM KỶ NIỆM HANOI-HALONG






GIỚI TIỆU LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN BÌNH TÂN



Quận Bình Tân là đô thị mới được thành lập bao gồm 10 phường theo nghị định 130/NĐ-CP ngày 05/11/2003 của Chính Phủ, từ Thị trấn An Lạc, xã Bình Hưng Hoà, xã Bình Trị Đông và xã Tân Tạo của huyện Bình Chánh trước đây. Trong những năm gần đây tốc độ đô thi hoá diễn ra khá nhanh, có phường hầu như không còn đất nông nghiệp. Hiện nay nhiều mặt kinh tế-xã hội của quận phát triển nhanh theo hướng đô thị.
Xem tiếp.....