Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2011

HỌP MẶT TRUYỀN THỐNG KỶ NIỆM 81 NĂM NGÀY THÀNH LẬP hỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM 14/10/1930 - 14/10/2011

Sáng ngày 14/10/2011, Hội nông dân quận Bình Tân tổ chức Họp mặt truyền thống nhân kỷ niệm 81 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam 14/10/1930 - 14/10/2011, đến dự có đ/c Nguyễn văn Hòa Thường vụ Trưởng Ban tuyên huấn, đ/c Tràn văn Xứng nguyên là Phó Chủ tịch Hội nông dân quận Bình Tân, đ/c Phan văn Út phó Bí thư TTĐU phường Bình Hưng Hòa B và chủ tịch Hội Nông dân của 8 Phường...Đ/c Huỳnh văn Sớm Chủ tịch Hội nông dân đã phát biểu ôn lại lịch sử 81 năm Hội nông dân Việt nam hình thành và phát triển, đồng thời mời đ/c Nguyễn văn Hòa lên trao tặng Kỷ niệm chương cho 2 đ/c: Phan văn Út Phó Bí thư TTĐU Phường Bình Hưng Hòa B, và ông Phạm văn Bực Chủ tịch Hội Nông dân phường Tân Tạo A.



















Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011

NÔNG DÂN PHƯỜNG AN LẠC NUÔI CÁ HẢI TƯỢNG VÀ CÁ SẤU

Với tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều hộ nông dân trên địa bàn P.An Lạc thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng dưới sự hướng dẫn của Hội Nông dân phường. Nhiều hộ không còn trồng lúa, trồng sen mà chuyển sang chăn nuôi nhỏ lẻ để thích nghi với điều kiện hiện tại. Được sự giới thiệu của anh Ngô Ngọc Lý - Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường tôi đến thăm hộ gia đình chị Trần Ngọc Đính. Tiếp chúng tôi chị cho biết nơi đây trước kia là đồng ruộng nhưng hiện tại diện tích đất đã chuyển công năng, gia đình chuyển sang cất nhà trọ một phần, phần còn lại nuôi các sấu và cá hải tượng.
Nuôi cá sấu và cá hải tượng có từ lâu nhưng hiện nay còn là một nghề khá mới mẻ đối với nông dân P.An Lạc, vì vậy những hiểu biết về cá sấu và cá hải tượng vẫn còn rất hạn chế. Việc chăn nuôi như hộ chị Đính là do tự phát, chủ yếu học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau từ những người nuôi trước. Nói về kỷ thuật anh chị cho biết đối với 2 loại này nuôi không khó nhưng đòi hỏi phải có sự tận tụy chăm sóc. Đặc biệt, cá sấu là loài ăn tạp nên chị thường tìm đến các sạp buôn bán cá biển ở chợ khu phố và các sạp bán gà vịt mua lại các ruột gà vịt phế phẩm về cho ăn. Khu chuồng trại dành cho sấu có diện tích hơn 20m2 có xây rào cản xung quanh bằng gạch và căng lưới thép, bên trong chia làm hai ngăn có rào chắn. Vì cá sấu là loài rất hung dữ nên phải xây chuồng thoáng mát, không chật chội để chúng không tấn công nhau. Chuồng có hồ nước xây bằng xi măng sâu 1,2m, khoảng đất trồng cây tạo bóng mát tạo độ ẩm và khoảng sân xi măng để sấu nằm phơi nắng. Đối với loài bò sát không có thân nhiệt nhất định mà có thể tự điều tiết thay đổi phù hợp theo môi trường. Tuy nhiên đối với cá sấu sự thay đổi này có giới hạn, nhiệt độ thích hợp cho chúng từ 28 - 30 độ C. Vì vậy chúng trầm mình dưới nước là cách làm giảm thân nhiệt và nằm phơi nắng là để tăng thân nhiệt. Một hình ảnh quen thuộc của cá sấu là nằm bất động há rộng miệng bày đôi hàm răng kinh khiếp. Đây không phải là hình thức đe dọa mà chỉ vì da cá sấu rất dày, không có tuyến mồ hôi nên chúng phải há miệng để bài tiết hơi nóng ra ngoài. Do những đặc điểm trên mà chuồng nuôi cá sấu phải hội đủ 3 điều kiện: có hồ nước dốc thoai thoải, có chỗ nằm phơi nắng và có bóng mát. Ngoài tác dụng làm hạ thân nhiệt, hồ nước còn là môi trường để cá sấu giao phối và giúp bảo vệ mắt cá sấu. Vì cá sấu khi lên cạn giác mạc rất dễ bị khô.
Bài, ảnh: Thiện Phú
Hội Nông dân tham quan khu nuôi cá sấu.
Đối với cá Hải Tượng là loài cá nước ngọt lớn nhất hành tinh, khu vực sinh sống chủ yếu của chúng ở sông ngòi khu vực biên giới Peru, sông Amazon. Một vài loài trong số chúng có thể đạt đến chiều dài 6m và cân nặng hơn 2 tấn. Với chiều dài 1,5 m chúng bắt đầu xuất hiện các màu sắc lấp lánh trên vẩy. Đây là loài cá quý hiếm cần được bảo vệ và đã được đưa vào sách đỏ thế giới, chúng chuyên ăn ăn động vật, chủ yếu cho ăn cá con, thịt xé nhỏ, giáp xác và cả thức ăn viên... nên cũng không khó lắm trong việc tìm thức ăn vì nhà chị gần chợ. Đối với ao bể nuôi cá cần rộng vì cá tăng trưởng nhanh và đạt kích thước rất lớn. Bể cần có nắp đậy vì cá hay nhảy. Cá cũng cần khoảng không trên mặt nước để lên thở khí trời bắt buộc sau mỗi 20 phút. Khi thở cá phát ra âm thanh khá lớn, cá cái đẻ khi đạt 5 tuổi và chiều dài 1,7 m. Cá đẻ trứng trên tổ cát, thụ tinh ngoài, cá bố và mẹ chăm sóc con. Hiện chưa được sản xuất giống ở Việt Nam, nếu có dịp tham quan hồ cá của chị chúng ta sẽ thấy trọng lượng mỗi con cá không thua Hồ cá Hải Tượng tại Công viên Văn hóa Đầm Sen. Trao đổi với chúng tôi chị Trần Ngọc Đính cho biết: "Có người hỏi mua cá hải tượng giá 5 triệu đồng một con nhưng chị chưa muốn bán, còn cá sấu chị chưa biết giá cả bán ra sao. Hy vọng Hội Nông dân phường, quận hỗ trợ vốn và tìm đầu ra cho hai loại vật nuôi này để nông dân không bị ép giá".
Phong trào nuôi cá sấu và nuôi cá hải tượng tuy mới ở phường An Lạc nhưng nông dân trên địa bàn luôn hy vọng nhiều vào nguồn thu từ việc chăn nuôi như hộ chị Trần Ngọc Đính. Điều mong mỏi của chị cũng như nhiều hộ khác hiện nay là Hội Nông dân phường cần có định hướng đầu ra cho hộ nuôi nhỏ lẻ. Có như vậy thì phong trào chăn nuôi động vật hoang dã, quí hiếm như cá sấu, cá Hải Tượng mới trở thành ngành kinh tế mạnh tạo thu nhập cao cho nông dân.